image banner
Di tích – Danh thắng

Di tích lịch sử Đình Phước Lý

5.png

Đình Phước Lý tọa lạc cách tỉnh lộ 835B khoảng 100m về phía Đông Nam, thuộc địa phận ấp Phước Lý, xã Phước Lý, huyện Cần Giuộc, tỉnh Long An. Đình không có sắc thần và được xây dựng từ thời điểm nào, đến nay chưa ai biết được một cách chính xác. Theo các bậc cao niên trong Ban hội hương, ngôi đình đầu tiên được xây dựng trên phần đất do ông Hồ Văn Nhi hiến. Cháu nội ông Hồ Văn Nhi là Hồ Văn Vĩnh đến nay cũng đã ngót 100 tuổi. Vì thế, có thể đoán đình Phước Lý được xây dựng cách nay khoảng 150 năm. Cho đến nay, đình Phước Lý đã được trùng tu nhiều lần. Ban đầu, đình được xây cất bằng tre lá, quy mô nhỏ. Sau đó vài chục năm, đình được mở rộng với cột gỗ, mái ngói, vách ván. Khoảng năm 1920-1930, nhân dân trong vùng đã đóng góp kinh phí để dựng thêm võ ca và nhà hậu sở. Năm 1950, vách gỗ của chánh điện được thay bằng vách tường, bàn thờ thần nông cũng được xây mới bằng bê tông. Vào những năm 1991-2007, toàn bộ kết cấu gỗ của đình Phước Lý (trừ đòn tay, rui, mè) đều được thay thế bằng bê tông. Tuy nhiên, đình vẫn còn giữ được mái ngói âm dương và kiểu dáng kiến trúc đình làng cổ truyền.

Hiện tại, trên bình đồ, đình Phước Lý có 3 lớp nhà là: võ ca, chánh điện và hậu sở, sắp xếp theo kiểu chữ tam, mặt chính diện quay về phía Đông Nam. Bên trong chánh điện có bàn thờ thần ở chính giữa, bàn thờ tả ban, hữu ban ở hai bên và bàn thờ Tiên sư, Tiền hiền, Binh đinh. Bàn thờ thần có tôn trí chữ Thần bằng chữ hán, một mũ cánh chuồn màu đỏ và một cặp kiếm. Mũ và kiếm này đã có từ lâu đời nhưng bị hư hỏng do thời gian nên đã được hương chức các thời kỳ đã thay thế bằng đồ tân tạo. Về lai lịch vị thần được thờ trong đình, các bậc cao niên trong ban quản trị cũng không nắm được rõ ràng. Theo ông bà truyền lại, khu đất xây dựng đình ngày xưa thuộc sở hữu của ông Hồ Văn Nhi, nhưng chưa được canh tác mà mọc đầy cỏ cây hoang dại, nhất là lức và ráng. Hôm nọ, có một người làm ruộng đi ngang qua đây, bị chột bụng mới ghé vào đại tiện. Khi về nhà, người này bị phát bệnh nặng, được thân nhân thuốc men, chạy chữa nhưng không thuyên giảm. Vì thế, gia đình mới rước thầy về đạp đồng xem bệnh. Có người nhập vào xác đồng nói rằng, khu đất hoang nói trên là chỗ thần nhân trú ngụ, người nào dám xúc phạm thì phải chết. Ba ngày sau, người bị bệnh qua đời. Vì

thế, hương chức trong làng mới lập miễu thờ thần tại khu đất hoang của ông Hồ Văn Nhi. Ban đầu, dân làng chỉ cúng thần có một lệ vào ngày 16 và 17 tháng giêng âm lịch. Đến lần cúng thứ ba, có một vị hương chức uống rượu vào bỗng nhiên được thần nhập xác, bảo dân làng phải cúng thêm 2 lệ nữa là Tống phong vào ngày 16 tháng 3 và Cầu bông vào ngày 16 tháng mười. Từ ngày đó, mỗi năm dân làng Phước Lý mới cúng thần 3 lệ, cho đến ngày nay.

Qua lời kể của Hội hương đình, tuy mang nhiều yếu tố huyền bí, nhưng chứa đựng những điều cốt lõi như sau:

- Đình Phước Lý hiện nay, ban đầu là một ngôi miếu thờ một vị thần không rõ lai lịch.

- Ban đầu, dân làng cúng thần chỉ có một lệ vào ngày 16 và 17 tháng giêng.

- Sau 3 năm, dân làng cúng thêm 2 lệ nữa là tống phong và cầu bông.

Như vậy, với xuất phát ban đầu là một ngôi miếu, sau ba năm, miếu này được chuyển chức năng thành đình với 3 lệ cúng thuộc về lễ nghi nông nghiệp là Kỳ yên, Tống phong và Cầu bông. Tới đây, một câu hỏi được đặt ra là tại sao ngôi miếu lại được chuyển thành đình sau 3 năm. Tại sao lai lịch của vị thần thờ trong đình được lưu truyền đầy màu sắc mê tín, trong khi hầu hết những ngôi đình ở Nam Bộ đều thờ Thành Hoàng bổn cảnh hoặc một vị nhân thần, nhiên thần hữu danh nào đó. Dường như hương chức thời đó lo ngại khi phải công bố chính thức danh tánh vị thần được thờ trong đình của mình nên mới thêu dệt xung quanh lai lịch vị này những sắc màu huyền bí. Đây là những điều mà những người nghiên cứu lịch sử phải làm rõ trên con đường tìm hiểu lai lịch vị thần được thờ tại đình Phước Lý.

Qua nghiên cứu hệ thống thờ tự trong chánh điện đình Phước Lý, chúng tôi thấy bàn thờ thần có tôn trí mũ cánh chuồn và cặp kiếm đã có từ lâu đời (nay làm mới do vật xưa đã hư hỏng) và trong các đối tượng được phối tự trong đình có các vị "Tiền binh đinh hữu công" (tạm hiểu là những binh sĩ có công trước đây). Qua đó, chúng tôi cho rằng vị thần được thờ tại đình Phước Lý là một nhân thần mà sinh tiền từng đảm nhiệm cả chức quan văn lẫn quan võ. Tiếp tục tra cứu những sử liệu có liên quan đến Phước Lý, được biết vào ngày 17/02/1859, thành Gia Định bị thực dân Pháp đánh chiếm, vị tướng giữ thành là Tổng đốc Võ Duy Ninh đã cùng tướng sĩ lui về thôn Phước Lý, huyện Phước Lộc. Ngày hôm sau (18/02/1859), ông đã tuẫn tiết bằng cách thắt cổ bởi không làm tròn trách nhiệm giữ thành mà triều đình giao phó. Từ kết quả khảo sát và những sử liệu trên, có thể vị thần được thờ tại đình Phước Lý chính là Tổng đốc Võ Duy Ninh. Ngày mất của ông (18/02/1859) quy ra âm lịch chính là ngày 16 tháng giêng năm Kỷ Mùi. Ngày này trùng hợp với ngày cúng Kỳ yên của đình Phước Lý. Thời điểm Võ Duy Ninh tuẫn tiết (năm 1859, cách nay đúng 150 năm) cũng trùng khớp với thời điểm ra đời của đình.

Võ Duy Ninh Ông có tên tự là Trọng Chí, biệt hiệu là Trúc Nghiêm, sinh năm 1804 tại làng Đại An, xã Hành Phong, tỉnh Quảng Ngãi. Năm Minh Mạng thứ 15 (1834), ông đỗ cử nhân tại trường thi Gia Định và được bổ chức Hành tẩu Bộ Lại. Năm 1847, ông được thăng lên Bố chính Phú Yên. Năm 1852, ông được triều đình điều về làm Tham tri Bộ Lại. Năm 1858, mẹ ông mất. Vì thế, ông về quê cư tang 3 tháng theo quy định của triều đình. Sau khi chịu tang mẹ xong, vào tháng 11-1858, triều đình cử ông vào Nam giữ chức Hộ đốc thành Gia Định. Đầu năm 1859, ông được thăng làm tổng đốc Định Biên (2 tỉnh: Gia Định và Biên Hòa). Ông vừa nhậm chức được 2 ngày thì tàu của thực dân Pháp vào cửa Cần Giờ, nổ súng tấn công thành Gia Định. Ông đã chỉ huy quân sĩ chống giặc gần một tháng trời. Với sức mạnh về vũ khí, giặc Pháp đã phá được các pháo đài dọc sông và công hãm thành Gia Định. Trước tình thế nguy ngập, Võ Duy Ninh chấn chỉnh đội ngũ và tinh thần binh lính, đồng thời hiệu triệu binh lính các tỉnh Nam Kỳ về cứu viện. Tuy nhiên, trước sức tấn công mãnh liệt của quân Pháp, thành Gia Định đã thất thủ ngày 17/02/1859. Thành mất, Võ Duy Ninh cùng binh sĩ chạy về thôn Phước Lý, huyện Phước Lộc (nay thuộc xã Phước Lý, huyện Cần Giuộc) rồi tuẫn tiết tại đây vào ngày 18/02/1859.

Tin thất thủ Gia Định bay về Huế, triều đình chiếu theo luật đã tước bỏ phẩm hàm Tổng đốc của Võ Duy Ninh. Nhờ Khâm sai đại thần Nguyễn Bá Nghi khẩn thiết tâu bày, vua Tự Đức mới chấp thuận cho người vào Nam mang hài cốt Võ Duy Ninh về an táng tại xã Chánh Lộ (nay thuộc thành phố Quảng Ngãi). Mười tám năm sau (1867), Võ Duy Ninh mới được triều đình Huế khai phục chức Thị độc.

Trong Từ điển nhân vật lịch sử Việt Nam, Nguyễn Quang Thắng và Nguyễn Bá Thế đã viết về Võ Duy Ninh như sau:"Ông là vị tướng lĩnh cao cấp hy sinh đầu tiên trong Nam thời giặc Pháp cướp nước ta".

Ngày 07/7/2009 UBND tỉnh Long an có Quyết định số1652/QĐ-UBND công nhận Đình Phước lý là di tích lịch sử - văn hóa cấp tỉnh, ngày nay nơi đây còn là chốn linh thiêng của một cộng đồng, nơisinh hoạt văn hóa, ôn truyền thống của các đoàn viên, học sinh, nơi bảo lưu các lễ hội truyền thống của dân tộc. Bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa của đình Phước Lý chính là việc làm thiết thực để góp phần bảo tồn và phát huy bản sắc văn hóa của dân tộc Việt Nam./.

 image advertisement
image advertisement
image advertisement
image advertisement
image advertisement
 
image advertisement
image advertisement
image advertisement
image advertisement
image advertisement
image advertisement
THỐNG KÊ TRUY CẬP
  • Đang online: 1
  • Hôm nay: 1
  • Trong tháng: 1
  • Tất cả: 1
Thư viện ảnh